Nội dung chương trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018

5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi mà học sinh cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới được bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học đi kèm,[40] với hai giai đoạn chính: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).[41]

Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự khác biệt so với các chương trình khác ở chỗ phân biệt rạch ròi hai giai đoạn giáo dục này. Cụ thể, giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện lồng ghép những nội dung của các môn có liên quan lại với nhau để tạo thành môn học tích hợp, tiến hành tinh giản, giảm tải số lượng môn học, thiết kế một số môn học theo các chủ đề cụ thể. Đến giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh việc học một số môn học bắt buộc, người học được quyền lựa chọn những môn học và chương trình học tập theo sở thích và năng lực của mình.[42] Đáng chú ý, chương trình giáo dục phổ thông mới là lần đầu tiên hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp được đưa vào chương trình học và trở thành các hoạt động giáo dục bắt buộc.[43][44]

Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian thực học quy định trong một năm học là 35 tuần học. Việc tổ chức dạy học có thể thực hiện với tần suất 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày tùy theo cơ sở giáo dục, nhưng phải đảm bảo thống nhất chung trong phạm vi toàn quốc.[45] Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, người học cần đạt 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi theo yêu cầu. Đối với các phẩm chất, người học cần đáp ứng phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; còn với các năng lực, người học cần đáp ứng năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác nhóm, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ, tính toán, khoa học, tin học, thể chất, thẩm mỹ, công nghệ.[46] Theo đó, các năng lực và phẩm chất của người học sẽ được hình thành thông qua các nội dung giáo dục bao gồm: giáo dục ngôn ngữ và văn học, giáo dục toán học, giáo dục khoa học xã hội, giáo dục khoa học tự nhiên, giáo dục công nghệ, giáo dục tin học, giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp.[47]

Lộ trình thực hiện

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ là:[48]

  • Năm học 2020-2021 đối với khối lớp 1;
  • Năm học 2021-2022 đối với các khối lớp 2 và lớp 6;
  • Năm học 2022-2023 đối với các khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
  • Năm học 2023-2024 đối với các khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
  • Năm học 2024-2025 đối với các khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Chương trình môn học

Giai đoạn giáo dục cơ bản

Giai đoạn giáo dục cơ bản bao gồm hai cấp học: tiểu học và trung học cơ sở, kéo dài từ lớp 1 đến lớp 9. Nội dung và thời lượng giáo dục được trình bày trong bảng dưới đây:[45][49]

Cấp họcNội dung giáo dụcThời lượng giáo dục
Môn học bắt buộcMôn học tự chọn
Cấp tiểu họcTiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lí (lớp 4, lớp 5); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệmTiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (lớp 1, lớp 2)Dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện tổ chức dạy học 6 buổi/tuần không bố trí dạy học các môn học tự chọn. Cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện tổ chức dạy học 5 buổi/tuần thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Cấp trung học cơ sởNgữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục của địa phươngTiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học, mỗi tiết không quá 45 phút. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp bắt đầu khi người học bước vào năm học lớp 10.[50] Ở giai đoạn này, người học phải thực hiện các môn học bắt buộc bao gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Nội dung giáo dục địa phương. Trong đó, môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các module học tập, còn môn Hoạt động trải nghiệm sẽ được thiết kế thành các chủ đề. Từ đó, người học lựa chọn các module, chủ đề học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.[51]

Trước đây, với các môn học tự chọn, sẽ tồn tại 3 nhóm môn, gồm Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và Nghệ thuật. Với mỗi môn học thuộc nhóm này, người học được lựa chọn các module học theo nguyện vọng của bản thân. Về thời lượng các tiết học, giai đoạn giáo dục này có phần tương tự với cấp trung học cơ sở khi thực hiện 1 buổi/ngày, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học.[52]

Ngày 3 tháng 8 năm 2022, theo thông tư 13/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc, và các môn tự chọn còn lại không còn chia thành nhóm nữa.[53]

Bảng tóm tắt các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bậc Trung học phổ thông[52][54][55]
Phân loạiTrước điều chỉnh

(7 môn bắt buộc + 5 môn tự chọn thuộc 3 nhóm,
mỗi nhóm phải chọn ít nhất một môn)

Sau điều chỉnh

(8 môn bắt buộc + 4 môn tự chọn,
không phân theo nhóm môn)

Môn họcNhóm môn

(trước điều chỉnh)

Bắt buộc
  1. Ngữ văn
  2. Toán
  3. Ngoại ngữ 1
  4. Giáo dục thể chất
  5. Giáo dục quốc phòng và an ninh
  6. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
  7. Nội dung giáo dục địa phương
  1. Ngữ văn
  2. Toán
  3. Ngoại ngữ 1
  4. Lịch sử
  5. Giáo dục thể chất
  6. Giáo dục quốc phòng và an ninh
  7. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp
  8. Nội dung giáo dục địa phương
Tự chọnKhoa học xã hội
  1. Lịch sử
  2. Địa lý
  3. Giáo dục kinh tế và pháp luật
  1. Địa lý
  2. Giáo dục kinh tế và pháp luật
  3. Vật lý
  4. Hóa học
  5. Sinh học
  6. Tin học
  7. Công nghệ
  8. Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)
Khoa học tự nhiên
  1. Vật lý
  2. Hóa học
  3. Sinh học
Công nghệ và Nghệ thuật
  1. Công nghệ
  2. Tin học
  3. Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)

Đánh giá kết quả giáo dục

Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và sự tiến bộ của người học trong quá trình thực hiện chương trình.[56] Cơ sở đánh giá dựa vào các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình từng môn học cụ thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Kết quả giáo dục sẽ được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua quá trình đánh giá thường xuyên, định kì ở cơ sở giáo dục cùng các kì đánh giá diện rộng ở địa phương, cấp quốc gia và trên bình diện quốc tế. Theo đó, quá trình đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, trong khi quá trình đánh giá định kì sẽ do cơ sở giáo dục tổ chức, riêng quá trình đánh giá diện rộng sẽ do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức.[57]

Đối với quá trình đánh giá giáo dục ở cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT về "Ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học".[58] Lộ trình thực hiện thông tư được quy định áp dụng cho khối lớp 1 đến lớp 5, lần lượt từ năm học 2020-2021 đến 2024-2025.[59] Điểm mới của thông tư này là giáo viên có thể chấm điểm 0 vào bài kiểm tra định kỳ hoặc trả lại bài tập cho học sinh khi chưa đạt yêu cầu.[60] Thông tư cũng quy định hình thức khen thưởng mới cho học sinh tiểu học. Cụ thể, vào cuối năm học, sẽ có hai danh hiệu được ghi trên giấy khen, đó là danh hiệu "học sinh xuất sắc" (được trao cho những học sinh có kết quả đánh giá giáo dục ở mức "hoàn thành xuất sắc") và danh hiệu "học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện" (trao cho những học sinh có kết quả đánh giá giáo dục ở mức "hoàn thành tốt" và có thành tích xuất sắc trong một môn học nhất định). Hình thức "thư khen" cũng được quy định, áp dụng cho những học sinh có những thành tích tốt trong học tập cũng như có những việc làm tốt.[61] Đối với kết quả giáo dục ở cấp trung học, việc đánh giá được quy định trong thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2021 về "đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông".[62] Khác biệt với các thông tư ban hành trước đó, thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định một số môn học như Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm chỉ được đánh giá kết quả giáo dục bằng nhận xét. Ngoài ra, thông tư cũng bỏ tính điểm trung bình tất cả các môn mà chỉ tính điểm trung bình cho từng môn. Thay cho các mức xếp loại giỏi, khá, trung bình, yếu như trước đây thì thông tư mới quy định xếp loại học sinh theo các mức tốt, khá, đạt, chưa đạt (với các môn đánh giá bằng điểm số) và đạt, chưa đạt (với các môn đánh giá bằng nhận xét).[63]

Bồi dưỡng và tập huấn cho đội ngũ giáo viên

Chương trình ETEP có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Yếu tố quyết định thành công trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới chính là đội ngũ giáo viên. Và mục tiêu của ETEP chính là nâng cao năng lực các trường sư phạm – cái máy cái và cũng là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Vì vậy, đề nghị các đơn vị tích cực triển khai và quan trọng hơn cả phải hướng tới hiệu quả sau đầu tư và phát triển bền vững.

Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[64]

Để đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển giáo dục và nhu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (tiếng Anh là Enhancing Teacher Education Program, viết tắt là ETEP) đã ra đời vào năm 2017. Chương trình do Ngân hàng Thế giới tài trợ và được điều hành bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, kéo dài đến năm 2022.[65] Điểm đặc biệt của chương trình này là hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thông qua hình thức trực tuyến. Mục tiêu của chương trình là "phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bằng một mạng lưới hỗ trợ tự bồi dưỡng".[66] Đây được đánh giá là "mô hình bồi dưỡng thường xuyên tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin, lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam".[67]

Năm 2019, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một danh mục gồm 54 module bồi dưỡng thường xuyên cho đối tượng là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho giai đoạn từ năm 2019 - 2021, trong đó, tùy theo giáo viên mỗi cấp hay giáo viên cốt cán sẽ được đào tạo theo 9 module tương ứng.[68][69] Đối với giáo viên cốt cán, các module 1, 2, 3, 4, 5 và 9 là các module bắt buộc, 3 module còn lại (6, 7, 8) sẽ được đào tạo sau.[70] Riêng giáo viên đại trà các module bắt buộc là 1, 2, 3, 4 và 5.[71] Trong chương trình ETEP, các giáo viên cốt cán sẽ được giảng viên chủ chốt của các trường sư phạm đào tạo theo hình thức trực tuyến. Sau đó, mỗi cán bộ cốt cán sẽ được phân công hỗ trợ cho một số lượng học viên (giáo viên đại trà) nhất định để họ tự bồi dưỡng,[72][73] từ đó hình thành "cộng đồng học tập" giữa giảng viên sư phạm, giáo viên cốt cán với giáo viên đại trà.[74] Các trường sư phạm tham gia chương trình ETEP bao gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí MinhHọc viện Quản lý Giáo dục.[75]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 //doi.org/10.15625%2F2615-8957%2F12220114 http://daidoanket.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-tho... http://daidoanket.vn/hang-tram-lua-chon-to-hop-mon... http://hvcsnd.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/dai-hoc-4... http://vjes.vnies.edu.vn/vi/thuc-trang-quan-li-thu... http://grep.moet.gov.vn/ https://www.youtube.com/watch?v=M3Iji46HJ-4 https://www.youtube.com/watch?v=bCB1v3A7unY https://www.youtube.com/watch?v=pCNN--qNvr0 https://cvdvn.net/2017/12/28/viet-nam-hoc-duoc-gi-...